Digital Marketing Là Gì? Bí Mật Và Chiến Lược Quan Trọng Nằm Ở Phía Sau

Những năm gần đây, digital marketing đang trở nên khá hot. Tại sao vậy? Chính là vì các hoạt động kinh doanh online nở rộ hơn bao giờ hết. Mà trong kinh doanh, marketing là khâu quan trọng sống còn, bên cạnh khâu bán hàng.

Có thể dễ dàng kiểm tra Google Trends sự phát triển đi lên cho từ khóa Digital Marketing.

Xu hướng tìm kiếm về Digital Marketing
Xu hướng tìm kiếm về Digital Marketing

Vậy Digital Marketing là gì? Tại sao nó hót vậy?

Lướt qua trên mạng thấy ti tỉ các trang web đưa ra các định nghĩa khác nhau. Có trang dày công nghiên cứu và tìm kiếm đưa ra những khái niệm bác học rất sâu. Có trang cũng chỉ là trích lược nhằm ăn theo xu hướng và đẩy SEO từ khóa thôi.

Vậy thì trên kênh Amotoz này, mình cũng lại đưa khái niệm như những ai kia à?

Không, mình không muốn thế. Có thể một số danh mục giống nhau, NHƯNG quan điểm và cách nhìn rất khác.

Mình sẽ khái niệm một cách dễ hiểu nhất. Quan trọng hơn, bạn sẽ biết yếu tố key chốt bí mật đằng sau digital marketing là gì. Và bạn cũng biết chiến thuật nào để sử dụng.

Bài viết này sẽ dành cho những người sau đây:

  • Các chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ, người làm nghề kinh doanh quan tâm muốn hiểu digital marketing để khai thác hiệu quả;
  • Những người muốn học để trở thành một digital marketer chuyên nghiệp;
  • Những bạn đang phân vân không biết digital marketing là ngành gì? Có nên theo học không.

Bài viết này đủ dài để có thể khiến bạn thích thú hoặc chán ghét. Thật đấy.

1. Hiểu Digital Marketing là như thế nào?

Để hiểu thế nào là digital marketing, trước tiên bạn cần hiểu marketing là gì?

Mình sẽ không đi vào khái niệm bác học mà định nghĩa theo kiểu nôm na giống thầy mình đã dạy.

Marketing trong tiếng Anh có xuất phát từ gốc là “market”, nghĩa là cái chợ hay thị trường. Vậy marketing chính là hoạt động tạo ra cái chợ hay thị trường.

Maketing là tạo ra cái chợ
Maketing là tạo ra cái chợ

Trong tiếng Việt, thuật ngữ này được dịch là “tiếp thị”. Có nghĩa là tiếp xúc với thị trường. Mình không khoái cái thuật ngữ này lắm.

Chặt chẽ hơn một chút nữa thì cái chợ đó đang có cùng một nhu cầu, sở thích nào đó.

Bạn cung cấp hoặc kết nối sản phẩm dịch vụ hoặc thương hiệu đến cái chợ này thì đó chính là hoạt động marketing.

Việc tạo ra cái chợ ấy như thế nào là cả một hành trình phát triển của ngành marketing. Các khía cạnh này bao gồm lịch sử phát triển, hạ tầng cơ sở, các nền tảng hay tài nguyên được sử dụng…

Như vậy Digital marketing chính là hoạt động marketing bằng việc sử dụng tài nguyên số (digital sources). Tài nguyên số đại để được hiểu những thứ dạng dữ liệu điện tử, không phải dạng vật chất và không cầm nắm được.

Có thể ví dụ như là bài viết lưu trên máy vi tính, file dữ liệu video hoặc audio (âm thanh), file hình ảnh…

Thực chất tài nguyên số đã có từ rất lâu, nhưng mọi người thực sự để ý đến nhiều hơn từ khi có sự ra đời internet. Chính nhẽ này mà nhiều người nhầm lẫn giữa digital marketing và marketing online.

Thực chất digital marketing gồm 02 mảng: online và offline.

Những khái niệm này thì cũng có quá nhiều bài nói đến.

Ở đây mình muốn nhấn mạnh vào yếu tố bí mật quan trọng ẩn sau digital marketing. Đó là gì? Bạn sốt ruột chưa?

Vâng bí mật ẩn sau đó chính là “đòn bẩy”. Nếu bạn kinh doanh, hẳn đã biết sức mạnh của đòn bẩy là như thế nào rồi.

Đòn bẩy trong Marketing
Đòn bẩy trong Digital Marketing

Đòn bẩy ở đây là sức mạnh của công nghệ thông tin trong việc phát tán các nội dung số. Và cũng chỉ nội dung số mới có khả năng được phát tán đi dễ dàng.

Thử tưởng tượng ngày xưa khi chưa có những phương tiện truyền thông số, bạn có quảng bá giới thiệu sản phẩm của mình đến bao nhiêu người? trong thời gian bao lâu.

Có chăng giống như mở cái cửa hàng, treo lên cái biển thật rõ để mọi người biết đến. Hoặc cùng lắm đi đây đó tham gia các hội chợ để giới thiệu sản phẩm của mình.

Bây giờ thì sao, cái đòn bẩy ấy có thể giúp trong vài phút tiếp cận đến hàng triệu người, không giới hạn biên giới.

Cái tuyệt vời của đòn bẩy này không chỉ có thế mà còn là ở chi phí rẻ, đo lường tốt, tiếp cận (target) chính xác.

Nếu bạn đã dùng các kênh marketing như Google, Facebook rồi thì bạn sẽ thấy được những quan điểm trên rõ ràng đến thế nào.

Có người nói rằng, Google và Facebook đang tối ưu hóa đến độ những bà bán rau, bán thịt cũng có thể tiếp cận đến khách hàng một cách dễ dàng.

Hiển nhiên thôi. Một người bán rau chỉ cần vài phút là thiết lập xong tài khoản Facebook, mở ra cơ hội tiếp cận ít nhất 5k người (tối đa trong danh sách bạn bè).

Như vậy điểm khác biệt lớn nhất ở đây của digital marketing chính là đòn bẩy.

Có thể bạn quan tâm: 7 Kênh Marketing Chủ Lực Dành Cho Khách Sạn [Update 2024]

2. Digital Marketing gồm những gì?

Đây là câu hỏi rất nhiều người quan tâm.

Như trên đã nói thì digital marketing sẽ có hai mảng online và offline. Nhưng có lẽ vì internet đang ở thế thượng phong nên sau này có lẽ số lượng bài liên quan đến lĩnh vực này sẽ nhiều hơn. Ở đây mình cứ nêu cả ra để các bạn có cái nhìn sâu sắc hơn.

2.1. Các loại hình Digital Marketing online

2.1.1. Tối ưu hóa tìm kiếm SEO

Nhiều người cho rằng SEO chỉ là việc làm cho một website của mình lên top đầu tìm kiếm. Có thể ngày xưa là vậy, nhưng giờ thế chưa đủ.

Nghề SEO giờ mở rộng hơn rất nhiều khi các nền tảng công nghệ ra đời, hay những thuật toán tìm kiếm mới.

SEO đầu tiên là việc đưa site của mình lên top đầu danh sách tìm kiếm của Google, Yahoo, Bing…

SEO còn là việc đưa video và kênh Youtube của mình lên top đầu tìm kiếm.

SEO là việc đưa Fanpage, bài viết (post) của mình lên top đầu tìm kiếm Facebook.

SEO là việc đưa file hình ảnh, file tài liệu của mình lên đầu các công cụ tìm kiếm.

SEO là việc đưa sản phẩm của mình lên đầu danh sách sản phẩm tìm kiếm trên các kênh thương mại điện tử Amazon, eBay, Lazada, Sendo, Shopee…

SEO là việc bạn có thể đưa hiển thị sản phẩm dịch vụ của mình lên Google Maps, Apple Maps…

SEO là việc bạn đứng đầu top các diễn đàn, các Groups Facebook.

SEO là việc đưa ứng dụng (apps) của mình lên đầu kho ứng dụng.

Vân vân và mây mây, có thể còn nhiều thứ khác nữa.

Túm lại, nôm na thì tối ưu hoá tìm kiếm là việc mình giúp cho khách hàng dễ dàng thấy mình trên bất kỳ nền tảng nào nào.

Mấy bố làm dịch vụ website sẽ có những bài seeding (gieo trồng) về seo website. Sau đó thấy hay sẽ là “gạ” làm website. Chưa chắc các vị ấy đã có quan tâm là còn có những thứ khác.

Bạn biết rằng, có những Fanpage dẫn đầu tìm kiếm có thể kiếm được rất nhiều xèng.

Hoặc như ku em mình ở quê làm nghề taxi. Mình hướng dẫn đăng ảnh của nó với xe ôtô có dán cái số điện thoại to tổ bố. Sau đó đứng ở những điểm quan trọng trên Google Map mà nó đi đến như Big C, đền chùa… và review các điểm đến.

Cộng với việc đưa cả thông tin của bạn ấy lên Google Map, thế là tự dưng có thêm khối khách, phải gọi đồng đội chia sẻ chuyến cùng.

2.1.2. Quảng cáo trên công cụ tìm kiếm (SEM)

Đầu tiên mình cũng loạn cả lên lúc thì SEO, SEM, SMM… nhưng rồi cũng phải làm quen.

Cái thứ này chủ yếu là quảng cáo trên các kênh tìm kiếm.

Các công cụ tìm kiếm cho ra kết quả tìm kiếm tự nhiên đồng thời có những kết quả do quảng cáo lòi ra ở đầu, cuối hoặc bên cạnh danh sách tìm kiếm.

Điển hình loại này là Google, Bing, Yahoo.

Loại này giờ chiến đấu cũng ác liệt hơn. Giá cả đấu thầu (bid) cũng phải đấu súng kinh hơn. Kỹ thuật SEO và Content cũng phải dùng đến.

Nhưng bạn cũng chớ phải lo quá, cứ đi vào dần rồi cũng ok thôi.

2.1.3. Content Marketing

Đây có lẽ là chiến lược bền vững nhất và xây dựng uy tín tốt nhất.

Content marketing là việc tạo ra nội dung (content) có giá trị nhằm thu hút và phục vụ nhu cầu của cộng đồng. Từ đó tạo sự kết nối giữa người có nội dung và người xem là cơ sở để cung cấp sản phẩm và dịch vụ.

Đây là chiến lược quan trọng và bền vững vì trong kinh doanh để tạo niềm tin của khách hàng. Niềm tin ấy không tự nhiên có ngay mà phải qua một quá trình tiếp cận, hiểu biết mới có thể có được.

Thứ đắc lực giúp làm việc ấy chỉ có thể là những nội dung có giá trị.

Giống như SEO, content marketing có thể cũng bị hiểu giới hạn ở chỗ tạo ra một website và đưa bài viết giá trị lên đó.

Nhưng ngày nay, các nền tảng khác nhau mọc lên như nấm, bạn có thể dùng content chất lượng của mình kết nối khách hàng ở mọi nơi.

Trên website của mình.

Trên các mạng xã hội như Facebook, Twitter, Youtube với những bài post hay, những bình luận sắc sảo.

Trên diễn đàn với những bài viết và comment hữu ích.

Trên Google Map với thông tin những địa chỉ tin cậy, những đánh giá xác thực.

Trên những website lớn với bài viết thành viên cực kỳ hấp dẫn.

Trên các sàn TMĐT với những gian hàng trang trí bắt mắt.

Trên các kênh Youtube, Vimeo, Facebook với những video cực hay.

Với cuộc chiến marketing số, mình có thể khẳng định tài nguyên content chính là tài sản cực kỳ giá trị của bất kỳ ai trong nghề.

2.1.4. Marketing trên các nền tảng mạng xã hội Social Media

Như ở trên đã có đề cập, bạn có thể thấy các mạng xã hội giờ tràn ngập là cơ hội cho bạn thoải mái marketing.

Đơn giản là nó dễ dùng. Tôi thấy đầy người chẳng cần biết kỹ thuật gì cũng dễ dàng tạo tài khoản, tham gia cộng đồng, chát chít ầm ầm.

Mạng xã hội xóa tan mọi khoảng cách. Ngày xưa các cụ năm tháng không gặp nhớ nhau muốn chết. Giờ gặp mặt thường xuyên luôn.

Mạng xã hội điển hình được biết đến hiện nay là Facebook, Youtube, Twitter, Instagram…

Nếu bạn đi chuyên sâu, sẽ thấy mỗi nền tảng có cái lợi riêng và đối tượng khách hàng phù hợp.

Việc bạn lựa chọn nền tảng nào phụ thuộc vào bạn kinh doanh lĩnh vực nào và kỹ năng thế mạnh của bạn là gì.

Những năm này hẳn bạn chứng kiến sự lên ngôi của Facebook và Youtube là như thế nào rồi.

Bạn cũng chứng kiến có hàng ngàn, vạn người và doanh nghiệp phất lên nhờ mạng xã hội.

Nhiều anh bạn thế hệ 7x trở về trước nói “không chơi facebook, cái đó vớ vẩn”.

Vâng, chơi thì không nhưng kinh doanh mà không quan tâm đến em đó thì là một bất lợi lớn.

2.1.5. Các loại hình quảng cáo hiển thị

Đây là loại hình marketing cũng khá phổ biến. Đó là việc bạn thuê một kênh nào đó như website đã có nhiều lượt truy cập hàng tháng.

Bạn đặt nội dung trên đó và phải trả phí trực tiếp cho kênh đó hoặc qua một bên trung gian thứ ba.

Phổ biến là là quảng cáo PPC (pay per click), tức là quảng cáo trả phí khi người quan tâm bấm chuột vào nội dung quảng cáo của bạn.

Hoặc một loại khác là CPM (Cost per impressions – mình cũng không hiểu sao nó lại viết tắt thành CPM mà không phải CPI). Nghĩa là bạn trả tiền theo số lần hiển thị.

Loại nữa là CPA, nghĩa là trả theo hành động, ở đây là hành động mua hàng. Khách qua quảng cáo của bạn mà mua hàng, bạn sẽ phải trả tiền quảng cáo.

Trả theo ngày, tháng: bạn trả hiển thị quảng cáo của bạn theo khoảng thời gian.

Có nhiều loại tính toán khác nhau nhưng chung quy thì đó là quảng cáo của bạn trên các kênh khác.

 2.1.6. Quảng cáo hiển thị tự nhiên Native Advertising

Quảng cáo native ads
Quảng cáo Native Advertising

Loại này giờ khá hay. Đó là dạng hiển thị quảng cáo tự nhiên giống như một phần của website nhằm phục vụ thêm người đọc về một chủ đề nào đó.

Thường được hiển thị dưới dạng một bài viết liên quan. Một chủ đề được quan tâm.

Loại này hay bắt gặp ở những anh khổng lồ như 24h.com.vn, baomoi.com, dantri.com.vn, cafebiz.vn…

2.1.7. Tiếp thị liên kết Affiliate Marketing

Loại hình này cực kỳ ưu việt.

Hiện nay có hàng trăm nghìn người theo nghề này, nhiều trong số đó là những tay Marketing thiện chiến. Có những người đã có sẵn tập khách hàng, fan hâm mộ đông đảo.

Thay vì bạn phải trả tiền cho nhà quảng cáo, bạn trả cho những người tiếp thị liên kết dưới dạng hoa hồng khi họ giới thiệu được khách hàng qua đường link đến trang sản phẩm của bạn.

Tưởng tượng xem khi sản phẩm của bạn tung ra. Thông tin đến tay các tay cơ này. Một đến mười, mười đến trăm một cách nhanh chóng.

Loại hình này đã thịnh hành trên thế giới nhưng ở Việt Nam mới đang phát triển với một số sàn TMĐT lớn.

Cơ chế của loại hình này là win-win, hai bên cùng có lợi.

2.1.8. Marketing tự động Automation Marketing

Loại hình này mới có gần đây với điển hình nhất là các Chatbot (robot chát chăm sóc và quảng cáo tự động).

Khi bạn được kết nối vào nền tảng nào đó như facebook, zalo… các tên đầy tớ này sẽ bắt đầu kết nối và chăm sóc bạn.

Điều hay ho là những tên đầy tớ này làm việc ngày đêm, không bao giờ kêu ca.

Ngày nay, chatbot đang lên ngôi và ngày càng thông minh hơn, nhất là những bot ứng dụng trí tuệ nhân tạo.

Đòn bẩy rõ nét là ở đây, bạn có đủ sức chiến đấu bền bỉ với với robot được không?

Kinh doanh online thì chatbot là công cụ không thể bỏ qua.

2.1.9. Email Marketing

Đối với thị trường Việt Nam, phương thức này cũng đã triển khai từ lâu nhưng chưa hoàn toàn hiệu quả.

Hình thức này là việc chúng ta xây dựng danh sách email khách hàng. Mỗi khi có thông tin sản phẩm dịch vụ thì gửi email đến tập khách hàng này.

Email marketing phù hợp với một số sản phẩm và đối tượng khách hàng nhất định.

Mình đã từng làm cái khảo sát nhỏ thấy đầy người vẫn còn chưa hiểu khái niệm email là gì.

Từ khi có Facebook, Zalo… thì Email marketing cũng bị lấn át đi nhiều.

Tuy vậy phương thức này vẫn là hình thức bền vững và quan trọng. Bởi vì nó là một yếu tố then chốt để xây dựng tập khách hàng.

2.1.10. Các ứng dụng APPS, Maps

Một kênh rất hữu hiệu để marketing rất ẩn mình là các ứng dụng và bản đồ trực tuyến (maps).

Apps là kiểu bạn tạo ra ứng dụng để cài trên thiết bị người dùng. Quá trình người dùng sử dụng là cơ hội để bạn quảng bá về mình.

Maps (bản đồ) là ứng dụng dùng định vị giúp người dùng tìm kiếm đường đi, địa điểm dễ dàng.

Ví dụ về lợi ích của Google đã lấy ví dụ ở trên rồi. Bạn biết rằng khi cạnh tranh khốc liệt SEO trên maps là một hướng đi mới vô cùng hiệu quả.

Các apps cũng là công cụ marketing tuyệt vời. Việc tạo ra apps cũng không khó như mọi người nghĩ. Có nhiều nền tảng giúp bạn làm được điều đó.

Khi một apps có nhiều user đồng nghĩa với việc bạn có cơ hội tiếp cận đến một lượng khách hàng lớn.

2.1.11. Video Marketing

Mình tách mảng này thành một mục riêng vì nếu xét nền tảng video Youtube hoặc Vimeo hay Facebook thôi thì coi như đó thuộc Social Media.

Video Marketing là công cụ thực sự hữu dụng thời gian này. Nó có khả năng đem lại một lượng khách hàng có độ tương tác rất cao.

Bạn đã chứng kiến những kênh Youtube phát triển thần tốc ở Việt Nam như 1977 Vlog, Bà Tân Vlog, Khá Bảnh, thời trước có Lệ Rơi…

Mình cảm thấy Youtube còn đang dần dần thay thế TV rồi.

Hàng triệu người, doanh nghiệp đã nhanh chóng tận dụng Youtube để marketing cho mình.

2.1.12. Radio trực tuyến Podcast

Có thể với nhiều người còn lạ lẫm với Podcast nhưng nó đang là xu hướng mới hiện nay.

Hiện nay có nhiều nền tảng giúp người dùng biên tập những đoạn audio để đưa lên trên internet phục vụ cộng đồng.

Nhiều người thích nghe thông tin từ các podcast khi đang làm việc trên máy tính hoặc lái xe, và đó là cơ hội để bạn tiếp cận đến khách hàng của mình.

Cá nhân mình cũng thích loại này vì đỡ phải đọc.

2.1.13. Sách và tài liệu online

Loại hình này có thể coi là online hoặc offline cũng được, hoặc cũng có thể coi là loại hình content marketing.

Bạn sản xuất nội dung và đăng tải lên lên các kênh dưới dạng các file eBook.

Người đọc có thể xem trực tiếp trên các nền tảng hoặc tải về xem trên thiết bị của mình.

Các loại hình nội dung như hướng dẫn, thủ thuật… rất hay dùng kiểu này.

2.2. Các loại hình Digital Marketing offline.

Mình không đi chi tiết quá nhiều vào những loại hình này. Chính vì yếu tố “đòn bẩy” của nó khó thể so sánh được với online.

Ở đây chỉ điểm danh lại.

Các hình thức offline thì chúng ta đã quá quen thuộc với quảng bá trên truyền hình, Radio, bảng quảng cáo điện tử…

Truyền hình thì luôn đắt đỏ không là sân chơi cho những tay cò con.

Nổi lên những năm gần đây lại là Radio. 

Quá trình làm việc mình phát hiện ở Việt Nam có kênh VOV giao thông là kênh cực kỳ tuyệt vời để marketing. Kênh này có tập khách hàng xịn và rất target (những người có xe ô tô). Chả trách mấy bố Bất động sản và Du lịch quảng cáo trên này kinh.

Mình chưa dùng nhiều về Offline và cũng không có nhiều kinh nghiệm ở khoản này nên xin đề cập vậy thôi.

3. Bắt đầu Digital Marketing từ đâu? Cơ bản là những gì?

Nếu tư duy hướng chuyên môn, ta sẽ bắt đầu từ thứ gì ta mạnh. Ví dụ: mạnh về Video, về Email marketing… thường sẽ tập trung những nền tảng ấy. Từ nền tảng để tìm kiếm khách hàng.

Nhưng… nếu tư duy hướng khách hàng, phong cách 4.0 hiện nay. Nghĩa là khách hàng ở đâu thì ta bắt đầu và tập trung ở đó. Khách hàng dùng nền tảng nào thì ta quan tâm và khai thác nền tảng đó.

Mô tả cho quan điểm này ta có thể thấy, thị trường nước ngoài thì Email marketing khá ok, nhưng ở Việt Nam Facebook vẫn là kênh hiệu quả nhất.

Trước kia SEO + Website đã từng có thời kỳ hoàng kim, nhưng giờ có thể Youtube chiếm ưu thế hơn.

Tư duy hướng chuyên môn có thể khiến bạn không bắt kịp xu hướng thị trường. Nhưng tư duy hướng khách hàng sẽ làm bạn lúc nhảy cái này, lúc nhảy cái kia, không chuyên sâu một thứ nào cả. Đa kênh có cái hay, nhưng có cái dở. Và mình sẽ nói làm sao tối ưu việc đa kênh ở phần chiến lược phía dưới.

Kinh nghiệm của mình rút ra rằng bạn nên chọn một thứ mà bạn yêu thích đồng thời đang phổ biến với khách hàng và tập trung chiến thật sâu.

Khi đã thành thạo và hiệu quả thì nhân bản cách làm và công thức hóa.

Mình có rất nhiều đồng đội, chỉ cần xuất sắc mỗi quảng cáo Facebook cũng kiếm bội tiền.

Hoặc có người dễ dàng làm kênh Youtube có hàng triệu lượt xem (view).

Có một câu rất hay là “lựa chọn quan trọng hơn cố gắng”.

Bạn lựa chọn đúng thì sớm muộn cũng thành công. Lựa chọn sai thì nỗ lực nhiều có khi cũng công cốc. Giống như ông bà nào đó chọn sai vợ/chồng thì đời nhục.

Vậy cần phải làm thế nào? Vâng bạn cần phải học, học cật lực. Nói như tiến sĩ Lê Thẩm Dương “mọi sự từ học mà ra”.

Bạn chọn gì, bạn muốn gì thì phải học. Học không chỉ là ở trường lớp mà ở ngoài đời quan trọng lắm.

Ngày nay có muôn hình vạn trạng thứ cho bạn học: internet, sách, khóa học…

Mình khuyên các bạn nên bắt đầu từ những cái miễn phí, sau đó đến trả phí.

Không phải miễn phí là đồ ôi đâu nhé. Miễn phí có rất nhiều đồ xịn đó, vì người ta tạo ra đồ miễn phí là thứ để xây dựng thương hiệu của họ mà. Trừ những bố cho đồ miễn phí do copy ở đâu đó của người khác.

Thầy mình Nguyễn Vĩnh Cường, rồi hàng loạt các nhà đào tạo khác có các lớp học miễn phí hay bá đạo. Ta hay gọi lớp học đó là lớp phễu. Người học miễn phí thấy hay sẽ có thể thích mua những khóa học chuyên sâu hơn.

Một điều quan trọng nữa là bạn học được cái gì thì phải thực hành đi lại nhiều lần. Thằng giỏi là thằng làm nhiều, không phải là thằng thông minh đâu.

4. Digital Marketing cần những kỹ năng gì?

Phần này đề cập vào chuyên môn chút.

Bất kỳ ngành nghề gì cũng cần chùm các kỹ năng, marketing cũng không ngoại lệ.

Bạn cứ lao vào rồi sẽ thấy những thứ phải biết.

Cơ bản thì có: lập kế hoạch marketing, kỹ năng làm máy tính, dùng điện thoại di động, quay phim, chụp ảnh, viết bài, mã code…

Cụ thể những kỹ năng thế nào các bạn xem ở những bài viết sau này.

Ở đây mình đặt kỹ năng lập kế hoạch lên đầu vì nó quyết định tất cả, dù bạn là chủ kinh doanh ngay chuyên viên marketing.

Trong lập kế hoạch có yếu tố quan trọng là đặt mục tiêu. Nó là kim chỉ nam cho công việc marketing của bạn.

Nhìn thì có vẻ lắm thứ vậy thôi, bạn cũng không quá lo lắng về những vấn đề kỹ thuật phức tạp.

Nghĩ lại thời mình mới học lập trình, thầy hướng dẫn lớp cứ viết các đoạn mã code mà không cần hiểu là gì.

Mình cứ theo các bước làm rồi xem kết quả. Thấy hay hay dần rồi hiểu tất cả.

Về sau cũng không hiểu tại sao mình lại có thể tạo ra hàng tá file mã code khủng khiếp.

Đôi khi bạn cũng chẳng cần quan tâm đến yếu tố kỹ thuật quá làm gì, cứ bắt tay làm một cái gì đó đi rồi sẽ thấy kết quả.

Đã có nhiều người chẳng biết máy tính là gì nhưng livestream trên điện thoại rất giỏi. Thu hút hàng hàng người xem và bán hàng ngàn đơn hàng mỗi lần đăng đàn.

Còn nhiều ví dụ khác mà bạn thấy vô cùng ấn tượng. Qua đây hy vọng sẽ làm bạn tự tin hơn về lĩnh vực digital marketing

5. Digital Marketing dành cho các công ty

Bạn đã nghe Bill Gates nói “Trong vòng 5-10 năm nữa nếu bạn không kinh doanh trên mạng thì tốt nhất đừng bao giờ kinh doanh nữa”. Ám chỉ rằng sức mạnh của marketing online và digital quan trọng thế nào.

Công ty cần xây dựng cho mình một kế hoạch Digital marketing hoàn chỉnh.

Sau đó có thể tính toán ở chiến thuật xây dựng đội nhóm làm marketing của mình.

Hoặc đơn giản có thể đi thuê các công ty làm digital marketing, (các digital marketing agency).

Cái quan trọng ở đây là xây dựng kế hoạch (marketing planning). Từ đó mới quyết định thuê hay tự làm.

Mình đã chứng kiến nhiều chủ doanh nghiệp kêu ca đội ngũ marketing làm kém hoặc đối tác marketing không hiệu quả. Có thể chưa chắc hoàn toàn vậy, mà do họ không có một marketing plan tốt.

Thậm chí có nhiều chủ doanh nghiệp còn coi digital marketing là sân chơi của những tay khác, không phải của mình.

6. Digital Marketing cho cá nhân học và theo nghiệp

Câu hỏi là nghề digital marketing là gì? lương có cao không?

Là gì thì ở trên hiểu rồi. Còn lương có cao không thì mình cứ mạnh dạn nói là “có đấy”.

Có thể không hoàn toàn là lương mà là thu nhập. Nhiều người thu nhập khủng lắm.

Hiện cũng thấy có những trường đại học marketing, các bạn có thể tìm hiểu thêm.

Còn các bạn chưa có cơ hội học đại học thì cứ mày mò online, rồi theo các lớp offline từ các chuyên gia. Việc học có lẽ chưa bao giờ thuận lợi như bây giờ.

Bạn có thể xin vào bộ phận hoặc đội nhóm marketing. Học hỏi tích cực vào. Sau vào năm là có cái digital marketing CV ngon rồi.

Lúc đó tha hồ mà lựa chọn.

Không khó khi lướt trên linkined thấy đẳng tuyển về lập trình, IT và marketer nhiều không tưởng. Nhu cầu tuyển dụng digital marketer là rất lớn.

7. Chiến lược Digital Marketing. Sử dụng thế nào cho hiệu quả?

Có rất nhiều người, công ty có những chiến lược khác nhau, nhưng mình tôn thờ chiến lược mà thầy mình đã dạy. Đó là “xây dựng cái ao cá”.

Marketing là xây dựng ao cá
Marketing là xây dựng ao cá

Hình dung việc marketing và bán hàng giống như chúng ta đi câu cá.

Nếu chúng ta cứ phụ thuộc vào các kênh, lúc chỗ này, lúc chỗ khác thì rất là vất vả.

Chiến lược xuyên suốt là tạo ra một cái ao cá.

Rồi đi đến các kênh khác nhau, không câu ngay mà dẫn dắt cá đến ao nhà mình.

Như vậy mình không phụ thuộc thằng nào cả.

Đợt này Facebook giúp tìm cá hiệu quả, ta sử dụng nó. Đợt tới Youtube hiệu quả, ta chiến nền tảng ấy. Hoặc tất cả các kênh cùng hiệu quả, ta chơi pressing luôn.

Vậy cái ao cá ở đây là gì?

Nên là một website của riêng mình. Điều này lý giải lý do làm sao bạn được khuyến khích nên làm website, chứ không phải vì muốn bạn mua dịch vụ làm web.

Nhưng, bản đồ ngầm dưới website còn quan trọng hơn. Đó là việc dùng nó để tạo ra tập khách hàng hay danh sách khách hàng (list).

Tập khách hàng có thể dưới hình thức danh sách email, danh sách điện thoại, danh sách contact trên Facebook Messenger, danh sách người follow, danh sách người tương tác Fanpage, danh sách thành viên trong groups, thành viên forum mà bạn sở hữu…

Dân trong nghề kinh doanh có nói một câu “money in the list”. Nghĩa là tiền nằm trong danh sách khách hàng.

Nhìn lại thì cuối cùng danh sách khách hàng mới là cái chúng ta nhắm đến. Đó chính là tài sản vô giá mà tôi vẫn hay nói rằng để thừa kế nó cho con cái mình còn quý hơn nhà cửa và ô tô.

Mình đã biết có rất nhiều doanh nghiệp, tổ chức bỏ ra tấn tiền tổ chức các sự kiện hoặc hội chợ. Nhưng chỉ để “khoe” theo kiểu một chiều. Xong rồi chẳng có một danh sách khách hàng nào cả.

Trời ơi, đúng là ném tiền qua cửa sổ.

Bất biết bạn dùng nền tảng nào để lưu trữ khách hàng, nhưng bạn phải sở hữu nó.

Khi có danh sách khách hàng rồi, bạn có thể cung cấp dịch vụ, sản phẩm theo nhu cầu của họ một khách chủ động. Bạn không phải mò mẫm theo kiểu “em có sản phẩm này hay lắm, nhưng khách hàng ở đâu?”.

Một chú ý ở đây. Danh sách khách hàng không phải là kiểu bạn đi mua một tập data từ các đơn vị nào đó. Đó là kiểu Spam, kiểu marketing cưỡng hiếp.

Danh sách khách hàng phải do hoạt động marketing của bạn mang về. Họ đăng ký vào danh sách của bạn một cách tự nguyện vì họ biết đến bạn và đã nhận được những giá trị nào đó.

Tất nhiên ở Việt Nam, kiểu mua một danh sách khách hàng về rồi dùng điện thoại hoặc email tấn công cũng vẫn rất hiệu quả. Nhưng mình không khoái cái trò này. Nó sẽ không bền vững.

Nếu chúng ta chú tâm đến việc xây dựng danh sách khách hàng, ngày tháng qua đi chúng ta càng làm dày thêm tài vô giá này của mình.

Chúng ta không và luôn không phụ thuộc vào bất kỳ kênh nào.

Lịch sử đã cho bạn đã chứng kiến sự hình thành, phát triển và sụp đổ của đế chế Yahoo. Biết đâu một ngày đẹp trời không đến lượt Facebook và Google?

Do vậy việc tạo ra cái ao cá giúp bạn yên tâm cho sự phát triển kinh doanh bền vững của mình.

Vậy là mình đã vừa đưa bạn đi qua bức tranh tổng quát nhất về digital marketing. Có những kiến thức tổng hợp và có những kiến thức mình trải nghiệm.

Đến đây bạn đã thấy hơi quá rồi phải không? Đã mệt chưa?

Biết là bài dài nhưng hy vọng mang được giá trị cho các bạn.

Chờ đợi ý kiến đóng góp của các bạn và chia sẻ của các bạn cho cộng đồng.

Một số câu hỏi về Digital Marketing:

Đánh giá bài viết

1 bình luận về “Digital Marketing Là Gì? Bí Mật Và Chiến Lược Quan Trọng Nằm Ở Phía Sau”

Viết một bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.